Thứ Hai, 8 tháng 3, 2010

LỊCH SỬ NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8.3

Cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản ở Mĩ phát triển một cách mạnh mẽ. Nền kỹ nghệ thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào các nhà máy, xí nghiệp. Nhưng bọn chủ tư bản trả lương cho họ rất rẻ mạt. Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 8/3/1899, nữ công nhân ở Mĩ đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Phong trào bắt đầu từ nữ công nhân ngành dệt và ngành may tại thành phố Si-ca-gô và Nữu Ước. Mặc dù, bọn tư bản thẳng tay đàn áp, chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, đấu tranh buộc chúng phải nhượng bộ. Cuộc đấu tranh của công nhân Mĩ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào phụ nữ lao động trên thế giới, đặc biệt phụ nữ ở Đức- Một nước đại kỹ nghệ tiên tiến lúc bấy giờ. Phong trào đấu tranh đã xuất hiện hai nữ chiến sĩ lỗi lạc, đó là bà Cla-ra-zét-kin (Đức) và bà Lô-ra Lúc-Xăm-Bua (Ba Lan). Nhận thức được sự mạnh mẽ và đông đảo của lực lượng lao động nữ và sự cần thiết phải có tổ chức, phải có lãnh đạo để giành thắng lợi cho phong trào phụ nữ, nên năm 1907, hai bà đã cùng phối hợp với Crup-Xcai-a (vợ Lênin) vận động thành lập Ban “Thư ký phụ nữ quốc tế”. Bà Cla-ra-zét-kin được cử làm bí thư.

Năm 1910, Đại hội phụ nữ quốc tế XHCN họp tại Co-pen-ha-gen (thủ đô nước Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày “Quốc tế phụ nữ”, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu:

- Ngày làm 8 giờ.

- Việc làm ngang nhau.

- Lương ngang nhau.

- Bảo vệ bà mẹ và trẻ em.

Từ đó, ngày 8/3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới.

(sưu tầm)