Thứ Ba, 28 tháng 7, 2009

Năm Giúp Xứ - Một hồng ân?

(vài cảm nhận sau năm thực tập mục vụ) Tất cả là hồng ân! Đó là điều mà tôi cảm nhận được và muốn chia sẻ với bạn sau 1 năm thực tập mục vụ vừa qua. Vui – buồn; sướng – khổ; thành công – thất bại… không gì ngoài thánh ý Thiên Chúa. Chắc bạn cũng đồng ý với tôi chứ?! Năm thực tập mục vụ là năm rất quan trọng của đời chủng sinh chúng tôi, bước chuyển tiếp giữa giai đoạn Triết học và Thần học tại Đại Chủng Viện Thánh Quý, nếu tôi không không hoàn thành tốt năm thực tập mục vụ thì tôi không thể bước vào học Thần học. Lớp tôi hiện tại có 51 anh em thuộc 3 Giáo phận: Cần Thơ, Long Xuyên, Vĩnh Long. Vĩnh Long có 12 anh em. Riêng họ đạo Cái Mơn, quê tôi, có 3 anh em: thầy Micae Bảo Long, thầy Phêrô Nguyễn Trung Kiên, và tôi, Phaolô Phan Thanh Duy. Bình Minh! Thật quá ngỡ ngàng… vì đây là một họ đạo mà tôi không hề nghĩ đến trước khi Cha Bề Trên sai tôi đến thực tập mục mục vụ tại đây.
Một ít ngày nghỉ tại quê nhà, chúng tôi được Cha sở (một người Cha mà tôi hằng nể phục về lòng đạo đức, tài lãnh đạo, rất thâm thúy và quyết đoán trong suy nghĩ, lời nói, việc làm, giàu kinh nghiệm mục vụ…) chia sẻ, hướng dẫn, dặn dò nhiều điều về kinh nghiệm mục vụ rất quý báu làm hành trang trước khi chúng tôi “lên đường nhập ngũ”. Ngày 01 tháng 7 năm 2008 (mốc thời gian mà tôi không thể quên), tôi đến họ đạo Bình Minh để bắt đầu cho năm thực tập mục vụ. Xứ lạ, cảnh lạ, người lạ… làm tôi cảm thấy bối rối và lo âu. Nhưng tôi đã nhanh chóng thích nghi và hòa nhập được với môi trường mới. (Đó là nhờ lời Cha sở đã dặn dò: tất cả rồi sẽ ổn thôi! Hãy xem nơi mình ở như là nhà của mình, hãy mạnh dạn dấn thân.)
Họ đạo Bình Minh được thành lập trên dưới 50 năm nay, với gần 500 giáo dân, ngôi nhà thờ mới xây rất khang trang nằm ngay thị trấn Cái Vồn, nhà thờ luôn bị ảnh hưởng bởi sự náo nhiệt của chợ búa và đặc biệt là cơ quan nhà nước bao bọc chung quanh, người dân đa số theo đạo Hòa Hảo và Cao Đài. Ưu tiên hàng đầu của Cha sở Bình Minh (Cha Anrê Phạm văn Bé) là việc truyền giáo. Theo tôi, việc truyền giáo trong hoàn cảnh như thế là không dễ chút nào.
Việc đầu tiên Cha giao cho tôi là dạy lớp Giáo lý Thêm sức, (tôi hơi lo âu vì biết rằng Cha là Cha giáo dạy môn Sư Phạm Giáo Lý cho các lớp Giáo lý viên ở nhà thờ Chánh Tòa Vĩnh Long, nhưng tôi tin rằng Chúa sẽ giúp tôi vượt qua mọi khó khăn) lớp học chưa được 10 em thiếu nhi. Ôi! Sao ít thế? Tôi cảm thấy không hứng thú để dạy. Nhưng điều khích lệ tôi là các em tuy ít nhưng rất thích học và tìm hiểu Giáo lý, có những câu hỏi của các em khiến tôi phải “mất ăn, mất ngủ” để tìm ra lời giải đáp cách thỏa đáng. Thật kỳ lạ, càng dạy Giáo lý tôi càng yêu thích vì nhờ đó giúp tôi tự đào sâu hơn kiến thức về đạo và ứng dụng đạo vào đời. Cha thường nhắc tôi: “Thầy nên nhớ rằng: dạy Giáo lý không phải là việc truyền đạt kiến thức nhưng là truyền đạt đức tin. Muốn truyền đạt đức tin thì trước tiên mình phải có đức tin, vì không ai cho cái mình không có”. Lời của Cha đã làm cho tôi phải suy nghĩ nhiều về đời sống đức tin của mình. Để thu hút các em thiếu nhi gần gũi với nhà thờ, Cha đã mở một lớp tin học dạy miễn phí, học viên không phân biệt tuổi tác, giới tính, trình độ, tôn giáo. Theo tôi, đây là một việc làm thiết thực, và cũng là một cách truyền giáo khá hiệu quả trong thời đại này. Với một ít kiến thức về tin học, tôi đã được cha giao dạy và quản lý lớp tin học (tôi lại thấy lo âu, thiếu tự tin vì kiến thức tin học vụn vặt của mình. Vả lại, đây đâu phải là chuyên môn của một người chủng sinh. Nhưng với cái nhìn tích cực trong công việc, tôi nghĩ rằng tất cả đều không ngoài thánh ý Chúa). Tôi đã nhận và cố gắng dạy lớp tin học với hết khả năng của mình. Kết quả đạt được không “thảm bại” như tôi hằng lo nghĩ. Niềm vui lớn nhất của tôi trong công việc này là giúp các em ngoại đạo có cơ hội gần gũi nhà thờ, thường xuyên tiếp xúc với Cha và quan trọng là các em đã có thiện cảm đối với đạo Công giáo.
Ngoài việc dạy giáo lý, dạy tin học, Cha còn tạo nhiều cơ hội cho tôi thực tập mục vụ như: thăm viếng giáo dân, phát quà cho người nghèo, đem Mình Chúa cho các bệnh nhân… Những công việc này đã góp phần hun đút cho tôi có được một trái tim nhân hậu của người mục tử trong tương lai.
Tết Trung Thu và lễ Giáng Sinh là hai dịp mà Cha rất quan tâm đầu tư, dàn dựng nhiều chương trình sinh hoạt, hoạt cảnh hấp dẫn về hình thức lẫn nội dung để thu hút những người ngoại đạo đến nhà thờ, giúp họ có cái nhìn thiện cảm đối với đạo Công Giáo. Đó cũng là một hình thức truyền giáo sống động mà tôi phải học hỏi. Thiết nghĩ, bạn cũng nên biết một chút về Cha sở Bình Minh, nơi tôi đang thực tập mục vụ. Cha đã gần 60 tuổi nhưng sức khỏe rất tốt, ngoài họ đạo Bình Minh, Cha còn phải coi sóc thêm hai họ đạo khác là: Giáo Mẹo (cách Bình Minh 10 km) và Trà Kiết (cách Bình Minh 7 km). Mỗi Chúa nhật Cha phải dâng bốn Thánh lễ, vì sự nhiệt thành của người mục tử và nhiệt thành trong mục vụ nên tôi chưa bao giờ nghe Cha than vãn về công việc của mình. Suốt 8 năm qua (kể từ khi nhận họ đạo), Cha vẫn như thế. Do thời cuộc, hoàn cảnh éo le nên thời chủng sinh vô cùng vất vả, nhưng Cha vẫn một mực trung thành với ơn gọi. Tôi thực sự cảm phục Cha. “Chúa đã chọn ai thì Chúa đã đào tạo trước rồi” đó là câu mà Cha thường nói với tôi để giúp tôi luôn có cái nhìn linh thánh trong mọi hoàn cảnh, mọi công việc.
Trước – trong – sau thời gian thực tập tại họ đạo Bình Minh tôi thấy mọi người đều có một nhận xét chung về Cha là: “Cha Bé khó lắm!”. Đối với tôi, thời gian ở với Cha, tôi đã hiểu nhiều về Cha nên tôi có nhận xét cách chủ quan rằng: Cha là người rất cương quyết, những cái khó của Cha là đúng, Cha khó vì lợi ích của Giáo Hội, vì tương lai của họ đạo. Điều này làm tôi nhớ đến câu Kinh Thánh: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Ga 2, 17). Tôi nghĩ rằng người mục tử phải như thế, vì Giáo Hội vì đoàn chiên nên sẵn sàng chịu mọi oan khiên, chịu bách hại… Về vấn đề bác ái với người ăn xin, rất nhiều người đến nhà thờ Bình Minh để xin giúp đỡ về tiền bạc, tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ với khả năng của mình. Nhưng từ khi nghe Cha nói rằng: Thầy giúp đỡ người ta thì tốt đấy nhưng nên khôn ngoan hơn với những trường hợp mạo danh lừa đảo, mặt khác, những việc bác ái ấy vô tình làm cho một số người lười biếng lạm dụng lòng tốt của mình sống ỷ lại, không chịu làm việc nuôi thân… Những lời ấy của Cha làm tôi suy nghĩ và đắn đo nhiều về lòng bác ái, quảng đại trong thời buổi hôm nay. Thời gian ở với Cha, tôi biết mình đã làm phiền lòng Cha rất nhiều, nhưng Cha không bao giờ trách mắng tôi mà trái lại, Cha luôn nhắc nhỡ tôi cách ân cần, tế nhị… Ngày 21 tháng 6 năm 2009, năm thực tập mục vụ của tôi tại họ đạo Bình Minh đã khép lại, tôi đành chia tay trong ngậm ngùi. Tôi thực sự thấy mình được trưởng thành hơn trong ơn gọi. Họ đạo Bình Minh tuy nhỏ bé nhưng lại có những con người thật vĩ đại. Bình Minh luôn hiện diện trong ký ức tôi. Con xin cảm tạ Chúa đã cho con được bình an trong một năm qua. Con xin cảm ơn Cha đã chấp nhận cho con đến thực tập mục vụ tại họ đạo Bình Minh này, con cảm ơn Cha đã dạy con rất nhiều điều hay lẽ phải, chia sẻ cho con nhiều kinh nghiệm mục vụ thật quý báu, con xem đó như túi hành trang mà con sẽ mang theo suốt hành trình ơn gọi của mình. Xin Chúa ban nhiều ơn lành trên Cha và những ân nhân đã giúp đỡ con trong thời gian qua.
Tất cả là hồng ân!
Bạn thân mến! Tôi rất muốn kể cho bạn nghe rất nhiều điều thú vị khác khi tôi thực tập tại họ đạo Bình Minh, nhưng tôi e rằng dài quá sẽ làm bạn mệt đấy! Đành gác lại và hẹn dịp khác bạn nhé!